Thiếu Tá Lê Quang và Sư Đoàn 2 Bộ Binh đuổi Việt Cộng khỏi đồi 252

Thiếu Tá Lê Quang và Sư Đoàn 2 Bộ Binh đuổi Việt Cộng khỏi đồi 252

Oct 17, 2020

Văn Lan/Người Việt

PORTLAND, Oregon (NV) – “Tôi gia nhập Khóa 1/68 trường Võ Bị Thủ Đức, ra trường được học thêm khóa tình báo và nhảy dù, đa số anh em tốt nghiệp cùng khóa về các đơn vị Nhảy Dù, Lôi Hổ, riêng tôi về Quân Khu 1, trình diện Sư Đoàn 2, lúc đó do Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Toàn chỉ huy và tôi được đưa về đại đội Trinh Sát của Trung Đoàn 4.”

\"\"
Sinh Viên Sĩ Quan Lê Quang trong khóa học chiến thuật giai đoạn 2 Thủ Đức. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Đó là lời cựu Thiếu Tá Lê Quang kể với phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà của ông ở Portland, Oregon. Câu chuyện của ông, dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn bật lên được khí thế của người chiến sĩ tung hoành trên chiến trường năm xưa.

Khi lên trung học, vì thấy vùng đất Quảng Ngãi nơi ông sinh sống tình hình rối ren, chiến tranh khiến người dân ở các quận xa như Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Hà, chạy về thành phố khổ sở vô cùng, mất hết nhà cửa, cuộc sống rất bi thảm, không thể ngồi học ở trường được nữa, ông xin đi lính.

Tốt nghiệp trường Võ Bị Thủ Đức ông về làm toán trưởng Trinh Sát 4 nằm ở Rừng Leng, trực thuộc Trung Đoàn 4, Sư Đoàn 2, lãnh thổ chính là vùng Quảng Tín, Quảng Ngãi và Trung Đoàn 4 là lực lượng tăng phái, đôi khi tăng phái cho Quân Đoàn 2 hành quân vào vùng Bình Định, An Lão, An Túc.

Trận đầu tiên trong đời lính năm 1969

Ông kể, lúc đó Trung Úy Hồ Đăng Xứng là đại đội trưởng trinh sát, sau đó do thiếu nhân sự nên ông được giao trung đội trưởng coi luôn ba toán gồm toán 1 (Hắc Long), toán 2 (Bạch Long), và toán 3 (Bạch Hổ). Nhiệm vụ của toán trinh sát là mỗi lần nhảy toán, lực lượng trinh sát phải yểm trợ viễn thám.

“Năm 1969, trong vùng lãnh thổ phụ trách, tôi đi khắp các quận, đi theo các trung đoàn trong các khu vực hành quân. Khi tôi dẫn theo trung đội làm nút chận ở cầu Tú Sơn ở làng Tú Sơn, xã Nghĩa Điền, thì trung đội tôi tiêu diệt được một số Việt Cộng, còn một số tên chạy thoát. Tôi thấy anh em còn đang vướng bận, sẵn trớn tôi chạy vượt lên rượt theo tiêu diệt luôn bốn tên trên đồng ruộng, đó là trận đụng độ đầu tiên trong đời lính chiến. Từ trận đó tôi được lên làm đại đội phó, tất cả các mục tiêu đều do tôi dẫn anh em lôi bộ đi trước,” ông nhớ lại.

Ông trầm ngâm nhớ trận Cầu Sông Vệ 1972. Sông Vệ với chiều dài khoảng 80 km, nằm trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bắt nguồn từ vùng núi phía Nam huyện Ba Tơ, với độ cao khoảng 800 mét, từ thượng nguồn sông Liêng, chảy theo hướng Tây Nam-Đông Bắc, qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, giáp ranh giữa Mộ Đức và Tư Nghĩa. Cầu Sông Vệ là cây cầu huyết mạch trên quốc lộ 1, nếu cầu Sông Vệ bị sập thì đường quốc lộ từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, cho tới Huế đều bị ngưng trệ, giao thông từ dân sự cho tới quân đội đều bị bế tắc.

\"\"
Trên đường hành quân từ Quảng Trị về Quế Sơn, Quảng Nam, năm 1972. Đại Úy Lê Quang (thứ hai, phải), Đại Đội Trưởng Trinh Sát 4. (Hình: Lê Quang cung cấp)

“Lúc đó bọn địch đã bao vây quận Mộ Đức và toàn quận bị áp lực rất mạnh, trong khi Trung Đoàn 4 đã nhảy vô một tiểu đoàn ở động cát ngoài quận Mộ Đức để yểm trợ quận trong mặt trận ngoài đó, và Trung Tá Chước ra lệnh cho tôi bằng mọi cách phải giải tỏa cho được cầu Sông Vệ. Sông Vệ lúc đó nước lớn không thể lội qua được, phía đầu cầu bên phía Nam thì mất an ninh vì đã bị địch chiếm, còn chạy trên cầu sẽ bị địch bắn rất nguy hiểm. Sau một thoáng suy tính, tôi xin cấp trên cho hai thùng phuy sắt dồn đầy thân cây chuối tươi bên trong, tôi cho lăn qua cầu, sau mỗi thùng phuy có ba người, tổng cộng là sáu người núp, trong đó có tôi,” ông kể.

“Vì chúng tôi ở trên mặt cầu cao hơn hầm ẩn núp của bọn Việt Cộng nên chúng không thể làm gì được vì đã có thùng phuy che chắn phía trước. Khi hai thùng lăn tới đầu cầu phía Nam, bọn địch từ dưới cầu bắn xối xả, có một quả B40 bắn trúng thùng phuy nhưng mảnh đạn văng ra ghim vào đụng tới thân cây chuối bên trong thôi. Cả sáu người lính núp sau hai thùng, cứ thế thùng lăn phía trước, chúng tôi bò núp phía sau mà tấn công vô. Tôi giữ cây M79, một lính khác giữ cây M18, còn lại tất cả chỉ mang lựu đạn, cứ thế mà bò dần đến đầu cầu,” ông kể tiếp.

Ông ra lệnh cho mọi người đi theo, khi nào thấy ông quăng cái áo của ông tới đâu thì theo chỗ đó phóng xuống. “Vì chiếc áo đó có một may mắn là khi tôi mặc nó trong trận đánh trước, đã từng bị đạn pháo kích nổ cách khoảng 2 mét mà tôi không hề hấn gì, thành ra mọi người đều tin tưởng nó như lá bùa hộ mạng vậy!” ông Quang cười nói.

“Thế là khi bò tới gần đầu cầu phía Nam, tôi bắn một quả M79 lọt vô ngay cửa hầm ẩn núp của bọn chúng, lập tức tôi quăng cái áo xuống đó để lính phóng theo nép sát ngay bờ hầm. Tôi quăng tiếp liền trái lựu đạn khói vô hầm, còn bồi thêm mấy trái M79, đồng thời lính bắn yểm trợ theo hàng loạt M18 vào mấy căn nhà chòi phía sau, lúc đó lô cốt bên phía Nam bị địch chiếm đã bị đại liên bên ta khống chế nên bất khiển dụng. Lính nhào vô quăng tiếp lựu đạn vào hầm, tiêu diệt mấy tên Việt Cộng trong đó, tịch thu súng,” ông nhớ lại.

Toàn bộ cầu Sông Vệ dài khoảng 500 mét được giải tỏa hoàn toàn, khoảng 8 giờ tối. Ông và đồng đội nghỉ ngơi, chờ tới sáng đánh tiếp vô làng Mộ Đức.

\"\"
Cựu Thiếu Tá Lê Quang tại đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập trường Võ Bị Thủ Đức tại Washington, DC, 2001. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Phá tan cứ điểm cầu Sông Vệ của Việt Cộng

Khó khăn của mọi người là ngôi nhà lầu ở ngã ba đã bị địch chiếm, trên đó Việt Cộng đặt cây đại liên án ngữ. May nhờ ông chủ ngôi nhà lầu chạy thoát ra được hiến kế với ông rằng, phải phá căn nhà thì mới tiến tới được. Ông chủ nhà cho biết thêm, trên lầu còn có súng cối, phía sau có cả cây 75 ly nữa.

“Tôi bèn rút vô phía dưới căn nhà, quăng lựu đạn lên lầu thì bọn chúng hất xuống làm bị thương một lính nữa. Tôi nghĩ không xong, bèn trình lên Trung Tá Lê Bá Khiếu, trung đoàn trưởng, xin cho tôi cây 106 ly để pháo vô. Ông Khiếu cho rằng không ăn thua gì, bèn cho hai cây 105 ly bắn trực xạ. Tôi kêu ông Quyên, pháo đội trưởng Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh, bắn làm sao chỉ bể tường nhà thôi, đừng bắn sập nguyên căn nhà vì còn người dân bị kẹt ở trong, hơn nữa khi bể từng mảng tường chỉ còn mấy trụ cột bê tông thôi, bọn địch không còn chỗ núp sẽ dễ tiêu diệt hơn,” ông Quang nhớ lại.

“Sau mấy phát pháo, tôi gọi pháo binh điều chỉnh tác xạ chính xác khiến tường nhà bị bể hết, khi bốn người lính nhào vô gom gạch bể chất thành một đống cao, tôi liền phóng tới quăng quả lựu đạn lên lầu nhưng lại bị hất rớt xuống. Sau bốn lần quăng lựu đạn lên, bọn chúng cầm cự thêm 20 phút, rồi lính tôi mang vô hai cây đại liên tiêu diệt đám trên lầu. Khi lên lầu mới thấy một cối 81, một đại liên phòng không 12 ly 7, cả cây 75 nữa. Phía Nam ngôi nhà còn một đám Việt Cộng cố thủ ở dưới đất, bị lính trên lầu với hai cây đại liên quạt xuống, bọn chúng lớp chết lớp bỏ chạy,” ông cho hay.

Ông cười tươi nói: “Từ đó căn nhà lầu này, vốn được coi như đài quan sát Sông Vệ của Việt Cộng, đã bị xóa sổ, bọn chúng bị tiêu diệt khoảng 20 tên. Và người Quảng Ngãi xưa nay khi nói về các trận đánh ở địa phương, họ thường nhắc tới trận cầu Sông Vệ, ai cũng biết.”

\"\"
Cựu Thiếu Tá Lê Quang (thứ tư, trái) cùng các cựu sĩ quan Sư Đoàn 2 Bộ Binh và chiến hữu hội ngộ tại Nam California năm 2018. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Trận đồi 252 năm 1973

Năm 1973, trên lãnh thổ quận Nghĩa Hành giáp ranh với quận Minh Long là ngọn đồi 252 đã bị Việt Cộng chiếm để chặn đường vô giữa bến xe với thị xã Minh Long. Việt Cộng chiếm ở đó hơn tháng trời chưa giải tỏa được, Trung Đoàn 4 với ba tiểu đoàn và Tiểu Đoàn 69 Biên Phòng bao vây Việt Cộng với kế hoạch là mở lại con đường tỉnh lộ từ Minh Long đi về thị xã.

“Vừa tới nơi, tôi bị bắn một quả 75 ly ngay vô bộ chỉ huy, tôi nghĩ phải tìm cách đánh ngay chốt này liền chứ không thể để lâu được. Thế là bằng nhiều cách, khi thì hỏi những người trong đơn vị bạn đóng gần đó, khi thì giả làm thường dân đi vô chợ để hỏi thăm tình hình, khi thì hỏi thăm anh em nghĩa quân, đồng thời nghiên cứu hướng bắn quả 75 đầu tiên ngay khi tôi vừa mới đến,” ông nói.

“Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi lập kế hoạch đánh, bởi vì Việt Cộng nghĩ rằng dựa vào địa hình khó như vậy thì không ai vào được. Thay vì đánh ngay phía trước địch, tôi đi vòng ra sau lưng địch khoảng cây số, từ đó đánh thẳng vô bộ chỉ huy của chúng. Tôi dẫn hai trung đội vào ngay tận bộ chỉ huy của chúng, từ ngoài đi vô hai bên là núi hẹp, ở giữa có con sông và một khoảng ruộng trống, bọn địch dựa vào địa hình đó mà nghĩ lính mình không thể vào được. Tôi đã ba lần hỏi thăm người dân đều trả lời giống nhau về đường đi,” ông cho hay.

Trong trận này, trung đội của ông tịch thu cả kho súng của Việt Cộng gồm đại bác 75 ly, 82 ly, súng cộng đồng 12 ly 7… Tối hôm sau, trung đội đột kích trở lên chiếm luôn chốt 252, tịch thu cây 60 và thêm vài súng cá nhân.

Nhưng đêm thứ ba, Việt Cộng trở lại, đem cả trung đoàn tấn công chiếm lại đồi 252. Không nao núng, ông cùng trung đội tấn công tới tấp.

“Khi chiếm được đồi 252, tôi trấn ở đó luôn khoảng một tháng sau, dù có nhiều đề nghị tôi về bộ chỉ huy nhưng tôi không đồng ý, lúc đó chỉ nghĩ rằng mình phải ở ngoài mặt trận chiến đấu, chịu trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc, với đơn vị và đồng đội. Sau trận đó tôi bàn giao lại đồi 252 cho Địa Phương Quân trấn giữ, Tiểu Đoàn 2 rút về đi cùng với Trung Đoàn 5 đánh vô Quế Sơn, Hậu Đức, Tam Kỳ là vùng trách nhiệm của Trung Đoàn 5 để giải tỏa áp lực cho Tiên Phước. Từ đó bọn địch không bao giờ trở lại đồi 252 được nữa,” ông Quang kể tiếp.

Sau trận đồi 252 ông Lê Quang được thăng cấp Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/5, Sư Đoàn 2 Bộ Binh vào Tháng Mười Một, 1973, lúc ông mới 25 tuổi. (Văn Lan) [qd]

Bài Liên Quan

Leave a Comment